Thủ tướng muốn xuất khẩu năm 2020 cán mốc 300 tỷ USD

Thứ 6 | 20/11/2020 - Lượt xem: 632

Đánh giá cao việc xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD nhưng Thủ tướng giao năm sau tiếp tục xuất siêu và xuất khẩu phải cán mốc 300 tỷ USD.

"Việt Nam từ một nước thiếu ăn, tem phiếu, bao cấp... đã trở thành một nước xuất khẩu lớn, tầm cỡ thế giới. Các sản phẩm của Việt Nam (trừ những máy móc chưa sản xuất được) hiện dư thừa, đều có thể tìm nước xuất khẩu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD" cuối ngày 30/12.

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 517 tỷ USD, tăng xấp xỉ 8% so với năm ngoái. Thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 263,5 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2018.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện cuối ngày 30/12. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện cuối ngày 30/12. Ảnh: VGP

Thủ tướng đánh giá, không đơn giản để Việt Nam đạt cột mốc xuất nhập khẩu 500 tỷ USD khi thương mại toàn cầu năm qua sụt giảm nghiêm trọng – xuống mức thấp nhất 10 năm trở lại đây. Chiến tranh thương mại không chỉ có Mỹ, Trung Quốc mà còn có ở EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, ông đánh giá cao vai trò của các Bộ Công Thương, Tài chính, các ngành liên quan và các doanh nghiệp lớn trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 2019, xuất khẩu đạt gần 263,5 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2018 nhưng Thủ tướng giao Bộ Công Thương nhiệm vụ để Việt Nam cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD (tăng 14%) trong năm 2020 và năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu. Ông yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho xuất nhập khẩu. 

Để nâng cao giá trị xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần nâng cao chế biến sâu và giảm chi phí logistics. Ông ví dụ, hiện một quả xoài Việt Nam xuất khẩu, chi phí logistics chiếm đến 50%.

Cùng với đó, theo ông cần đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Ông dẫn chứng trường hợp Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải xuất khẩu được xe bus sang Philippines mới đây.

"Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp, chia sẻ chuỗi giá trị, cung cấp công nghệ để bảo vệ hàng Việt Nam, đặc biệt cần tránh kiện tụng trong xuất nhập khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tiếp tục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu chân chính", ông nói.

Anh Tú

Đang tải bình luận,....